Sunday, February 24, 2019

Lịch sử bong bóng hoa Tulip và bài học cho cơn sốt Bitcoin – Kỳ 2

Cuối cùng, trái với niềm tin lúc bấy giờ, những người cẩn trọng bắt đầu nhận ra rằng sự ngu ngốc này không thể kéo dài vĩnh viễn được! Giới quý tộc không còn mua những rặng hoa Tulip để trưng chúng trong vườn nhà nữa – mà thay vào đó họ tranh thủ bán chúng để kiếm lời từng xu một. Lúc bấy giờ, ai cũng có thể dự đoán được rằng những kẻ cuối cùng trong giới đầu cơ điên rồ này sẽ lỗ nặng nề trong tương lai gần.

Cuộc tháo chạy khủng khiếp

Khi sự lí trí trên bắt đầu lan tỏa, giá cả lao dốc kinh ngạc, và không bao giờ tăng trở lại nữa. Niềm tin biến mất; sự hoảng loạn toàn diện bao trùm giới thương gia.
Để mô tả sự hoảng loạn đó bằng một ví dụ cụ thể: Vào năm 1636, một nhà thương gia A đã đồng ý với B mua 10 cành Semper Augustus – loài hoa đắt nhất trong họ Tulip – với mỗi cành trị giá 4.000 florin, tổng cộng 40.000 florin (tương ứng 3,92 triệu USD ngày nay) sáu tuần sau ngày ký hợp đồng. Trong khi B đã sẵn sàng để giao hàng vào thời điểm dự kiến, A đã tháo chạy, bỏ tiền cọc thay vì nhận hàng hoặc thanh toán phần chênh lệch khi giá cành Semper Augustus giảm chỉ còn 300 – 400 florin, tức chỉ còn bằng 1/10 so với trước đó một tháng rưỡi. Hàng loạt các hãng buôn bán Tulip đồng loạt phá sản trên khắp Hà Lan.
Hàng trăm, hàng nghìn người – mà cách đấy vài tháng, thậm chí có cảm giác nghi ngờ về thứ gọi là “nghèo đói” ở đất nước giàu có này – chợt nhận ra phần lớn tài sản của họ nằm ở một vài cành hoa vô tri vô giác mà không ai muốn mua. Ngay cả khi họ chỉ bán với ¼ giá gốc ban đầu chỉ để cắt lỗ, cũng không có ai dám chịu rút hầu bao ra cả.
Lịch sử bong bóng hoa Tulip và bài học cho cơn sốt Bitcoin – Kỳ 2
Cơn sốt hoa Tulip đến cũng nhanh rồi tàn cũng nhanh, nhưng hậu quả để lại thật khủng khiếp.
Sự khóc than, xô bồ, và hoảng sợ nổi lên khắp mọi nơi, và mỗi người bắt đầu đổ tội cho những “tên hàng xóm độc ác”. Họ cho rằng những kẻ này đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người khác, làm giàu cho bản thân và đầu tư phần lời vào bất động sản Anh Quốc hay những quỹ khác.
Những người khác thì, sau một thời gian ngắn, từ những kẻ vô danh trở thành giới quý tộc, nay đã trở về trạng thái cũ trong phút chốc.
Những thương gia giàu có trước đây nhiều người đã trở thành ăn mày lang thang ngoài đường.
Hàng loạt đại diện của tầng lớp trên của xã hội đau đớn nhìn tài sản của mình tiêu tan trong chớp mắt mà không thể nào cứu vãn được.
Khi hồi chuông cảnh báo đầu tiên lắng xuống, những người nắm giữ hoa Tulip đã tổ chức khá nhiều các buổi họp công chúng để cố gắng vực dậy niềm tin nơi cộng đồng. Mọi người đều đồng ý rằng nên cử đại diện từ mọi miền trở về Amsterdam và tìm kiếm sự giúp đỡ từ giới chức chính quyền. Chính phủ thay vì đưa ra biện pháp rõ ràng thì lại khuyến nghị các thương lái tự lập kế hoạch cho riêng mình. Trong bối cảnh đó, những lời than phiền và oán trách tuôn ra từ miệng của tất cả mọi người sau những buổi họp mặt náo loạn.
Cuối cùng, Sở giao dịch Amsterdam mới ra quyết định rằng tất cả những hợp đồng ký trước tháng 11/1636 – hay là thời điểm đỉnh cao của cơn sốt – sẽ được vô hiệu hóa cho người mua nếu người mua chịu trả 10% giá trị hợp đồng cho người bán. Tất nhiên, quyết định này chẳng đem lại chút hài lòng nào cho những thương gia nắm giữ những rặng hoa Tulip kể từ khi chúng cao ở mức 6.000  florin – nay chỉ còn ít hơn một phần mười giá trị.
tiendientu.org-bong-bong-hoa-tulip-2
Nhìn lại “Biểu đồ giá” này, ai cũng thấy sự sụp đổ của những thương nhân đã đặt niềm tin vào hoa Tulip kinh khủng đến mức nào.
Vấn đề cuối cùng cũng đã được đưa lên Hội đồng Cấp tỉnh tại Hague, và mọi người đều kỳ vọng rằng động thái tích cực này hoàn toàn có thể khôi phục lại lực cầu cho hoa Tulip. Song kỳ vọng luôn đi kèm với sự thất vọng, chẳng có bất cứ hành động nào được đưa ra. Sau ba tháng nghiên cứu trong khi giá cả sụt giảm từng ngày, các vị giới chức đã tuyên bố rằng họ không thể đưa ra quyết định cuối cùng cho đến khi nào có thêm thông tin. Tuy nhiên, họ khuyến nghị thương gia phải tự đấu giá lấy những lô hàng của mình ra công chúng. Hơn nữa, cũng chẳng có tòa án nào ở Hà Lan chịu đấu tố cho việc thanh toán giữa các bên. Cũng chẳng có vị trọng tài hay thẩm phán nào muốn tham gia, khi tất cả đều nghĩ rằng: nợ vay dựa trên sự “đánh bạc” ngu ngốc không phải là nợ vay trong luật pháp quy định.
Và như vậy, dấu chấm hết cho cơn sốt hoa Tulip huyền thoại được đặt ở đó. Tìm ra phương thức cứu chữa cho sự lao dốc hoàn toàn nằm ngoài khả năng của Chính phủ Hà Lan. Những kẻ nào kém may mắn đến mức vẫn còn lượng lớn hoa Tulip trên tay khi phản ứng trái chiều diễn ra sẽ bị bỏ mặc để tự nghiệm lại sự khờ dại của mình; còn những kẻ khôn ngoan chốt lời trước đó thì được cho phép giữ lại lợi nhuận. Song nền thương mại của cả quốc gia đã chịu một cú sốc nghiêm trọng – phải mất đến gần chục năm sau mới có thể khôi phục trở lại trạng thái lúc đầu.

Kết luận

Câu chuyện của tác giả Charles Mackay kết thúc ở đó, đọng lại biết bao cảm xúc bi hài và những bài học giá trị về một cơn sốt tài sản chưa bao giờ lạc hậu.
tiendientu.org-bong-bong-hoa-tulip-3
Bong bóng hoa Tulip luôn là bài học phải ghi nhớ của thị trường tài chính, nhất là trong bối cảnh thị trường cryptocurrency còn nhiều biến động như hiện nay.
Tựu trung lại, trước khi bỏ tiền vào một loại tài sản mới mẻ nào, nếu các nhà đầu tư cá nhân tự đặt ra cho mình 2 câu hỏi sau:
(1) Thứ tài sản đó có được xây dựng dựa trên một nền tảng vững chắc? Liệu nó có thực sự phục vụ cho cuộc sống xã hội tốt đẹp hơn bằng giá trị thực của mình?
(2) Liệu mức giá của thứ tài sản đó có dựa trên các nhân tố cơ bản như lợi nhuận, lợi tức hay chỉ dựa trên sự đầu cơ điên rồ của đám đông?
Nếu tự đặt và tự trả lời được 2 câu hỏi trên, không khó để nhà đầu tư cá nhân có thể tránh được những cơn sốt tương tự trong tương lai gần, bởi vì như ngài triết gia George Santayana đã có một câu châm ngôn nổi tiếng:

Những kẻ mà không thể nhớ được lịch sử, thì sẽ buộc phải lặp lại nó.”
Xem lại:  Lịch sử bong bóng hoa Tulip và bài học cho cơn sốt Bitcoin – Kỳ 1

SHARE THIS

Tác giả:

Một người đam mê mật mã và tự do

0 comments: